image banner
Vi du the marquee trong HTML Nhiệt liệt chào mừng 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2024) và 138 năm ngày Quốc tế Lao động 01/5/2024!
Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 13
  • Hôm nay: 33
  • Trong tuần: 309
  • Tất cả: 92,706
Đăng nhập
NGHĨ VỀ NGƯỜI THẦY, NGHỀ NHÀ GIÁO NHÂN NGÀY “NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11”

       Là một người có gần bốn mươi năm gắn bó với nhà giáo, nhân ngày “ Nhà giáo Việt Nam” hòa trong không khí ấm áp nghĩa tình của tháng 11 tôi xin ghi những suy nghĩ của mình với một nghề mà tôi đã theo đuổi gắn bó cả sự nghiệp của mình.

        Như chúng ta đều biết từ ngàn xưa tinh thần tôn sư trọng đạo đã là một nét truyền thống, một nét văn hóa của dân tộc chúng ta. Bởi vậy ca dao đã có câu:  

" Muốn sang thì bắt cầu kiều

Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy "

        Giờ đây dẫu có bao nhiêu thay đổi về cuộc sống, về đạo lý thì tinh thần tôn sư trọng đạo vẫn được trân trọng giữ gìn trong xã hội và đất nước chúng ta.

        Nhà giáo dục học Comenxki đã nói: "Dưới ánh mặt trời không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học”.  Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã nói rằng: “Nghề dạy học là nghề cao quí nhất trong các nghề cao quí”. Cái cao quí ở đây là bởi người thầy là người truyền lại các tri thức cho học sinh và quan trọng hơn thầy chính là người truyền lại đạo lý giúp các em làm người. Trên đời này có rất nhiều thứ quí nhưng đạo lý làm người thì không có thứ gì có thể sánh được. Trong thực tế trên thế giới này không có nghề nào cao quí hơn nghề nào cả mà chỉ có những con người cao quí mà thôi. Con người dù làm bất cứ nghề gì, nếu có thái độ nghiêm túc với nghề, có tấm lòng nhân hậu bao dung và biết giúp đỡ người khác thì đều là những con người cao quí. Tuy nhiên gì nghề dạy học là nghề trồng người, nó sản sinh ra những con người cao quí cho xã hội. Mọi người dù muốn làm gì, dù muốn trở thành những con người vĩ đại như thế nào đều phải học. Trước là học để làm người, sau là học để có văn hóa. Với một nghề đã tạo ra những con người cao quí cho xã hội thì nghề đó phải thật là một nghề cao quí.

Thật là tự hào khi chúng ta là những người được vinh dự đứng trong hàng ngũ này. Nền giáo dục của chúng ta vốn có một bề dày lịch sử đáng trân trọng và tự hào. Hàng bao nhiêu nhà khoa học, nhà giáo, nhà chính trị, nhà quân sự, nhà ngoại giao, bao nhiêu công dân tri thức, các lãnh đạo của địa phương và đất nước đã và đang đóng góp tích cực, hiệu quả cho quá trình bảo vệ và xây dựng đất nước này. Đó là thành quả của một nền giáo dục vĩ đại của dân tộc mà chúng ta có vinh dự góp phần nhỏ bé sức lực, trí tuệ của mình vào thành quả chung đó.

        Tuy nhiên nghề dạy học còn là một nghề khó. Khó vì người thầy là người dạy đạo đức, dạy văn hóa vì vậy người thầy phải là người ngoài việc phải có chuyên môn vững phải là một tấm gương về đạo đức. Trong giáo dục có một đặc trưng là sự noi gương. Sự kính trọng ngưỡng mộ của học trò với tài năng, nhân cách của thầy là xuất phát điểm cho niềm tin vào cái đẹp, cái thiện trong cuộc đời, là sự khởi đầu cho sự hình thành nhân cách. Cho nên người thầy không chỉ cần có kiến thức và năng lực sư phạm mà phương tiện quan trọng nhất chính là nhân cách người thầy. Từ xa xưa người thầy được xem như những gì thuộc chuẩn mực, đạo lý, truyền thống tôn sư trọng đạo đã làm nên nét đẹp văn hóa của dân tộc.Tuy nhiên nó cũng là một áp lực đối với người thầy bởi vì xã hội càng kính trọng thầy thì càng đòi hỏi người thầy những phẩm chất năng lực cao hơn, phải là những “khuôn vàng, thước ngọc” cho nên không có cách nào khác người thầy phải luôn luôn phấn đấu, luôn luôn rèn luyện.  Cái khó khăn của thầy giáo chính là phải vật lộn với cuộc sống hằng ngày mà lại giữ cho mình một hình ảnh như một biểu trưng cho cái đẹp của xã hôi. Vì vậy một nhà sư Ấn Độ đã nói rằng “Người thầy giáo là người khổ hạnh nhất, khổ hạnh hơn cả thầy tu, bởi vì người thầy giáo phải sống cuộc sống của thầy tu mà lại không được mặc chiếc áo thầy tu”.

        Ngày nay thế giới đang bước vào nền kinh tế tri thức, giáo dục và đào tạo được Đảng và Nhà nước xem là quốc sách hàng đầu sứ mệnh của nhà giáo là phải góp phần đào tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao giúp họ có nhân cách tốt đẹp, có năng lực giúp đời, giúp dân, giúp nước. Sự quan tâm, kỳ vọng của xã hội vào thế hệ con em càng cao thì vinh dự trách nhiệm người thầy càng lớn, áp lực cho người thầy càng nhiều. Vì vậy người thầy giáo hiện nay phải thấy được trách nhiệm và vinh dự của mình mà phấn đấu “ Thầy phải ra thầy” muốn làm được điều đó người thầy phải sống vị tha, biết yêu thương con người, xây dựng  mối quan hệ tốt đẹp giữa thầy với trò, giữa thầy với gia đình học sinh.

         Là một người có gần 40 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục  tôi thực sự vui mừng và tự hào vì ngành giáo dục của  ta đã có những bước phát triển vững chắc. Trường lớp khang trang và từ lâu đã không còn trường tạm bợ, đội ngũ thầy cô giáo ngày một đông đủ, vững vàng về chuyên môn và đầy nhiệt huyết, chất lượng giáo dục đã tiếp cận được các đơn vị tiên tiến nhất trong khu vực. Thành quả đó ngoài sự quan tâm giúp đỡ của lãnh đạo thì vai trò quyết định là do đội ngũ thầy cô giáo những người đang ngày đêm lặng lẽ cống hiến sức lực, trí tuệ của mình để góp phần làm nên thành tích đó.

        Dẫu cho trong cuộc sống này vẫn còn bao vất vả của đời thường, dẫu cho trong đội ngũ giáo dục còn có người này người khác, dẫu cho mặt trái của nền kinh tế thị trường có tác động đến một ít người trong đội ngũ chúng ta, nhưng người thầy thì vẫn còn đó vẹn nguyên với giá trị truyền thống của muôn đời. Người thầy vẫn thầm lặng làm người đưa đò chuyên chở tri thức và ước vọng của các em để giúp các thế học sinh cập bến những ước mơ. Cho dù xã hội vẫn còn những bộn bề lo toan thì hằng ngày chúng ta vẫn tìm thấy người thầy bình dị, gần gủi nhưng mang nặng giá trị nhân văn truyền đến cho học sinh những ngọn lửa đam mê, những ước mơ khoa học. Họ chính là người giữ lửa cho ngôi đền giáo dục của chúng ta. Họ cũng chính là những con người đang truyền lửa đam mê giáo dục cho thể hệ tiếp theo. Và cũng chính họ đang góp phần làm cho nguồn nhân lực của quê hương đất nước ngày một phát triển và bay xa. Họ chính là những nhà giáo chân chính đang làm cho ngành giáo dục của chúng ta ngày một phát triển.

        Nhân ngày 20/11 đang đến gần xin được ghi những dòng này để tri ân đến những Người Thầy cũng như những tâm sự với đồng nghiệp và bạn bè, học sinh, xin kính chúc cho những người thầy vẫn mãi mãi sáng ngời trong lòng của mọi người và xã hội./.

Tác giả: Trường THCS Trần Văn Phán

2022 © Trường THCS Trần Văn Phán
Địa chỉ: Ấp Chà Là, Xã Trần Phán, Đầm Dơi, Cà Mau
Điện thoại: 07803851054
Email: c2tranphan.pgddamdoi@camau.edu.vn

Đăng nhập hệ thống